Công nghệ sinh thái


CÔNG NGHỆ SINH THÁI

Hệ sinh thái lúa đồi Sapa

Hệ sinh thái lúa đồi
-

A-GIỚI THIỆU VỀ HỆ SINH THÁI

A-1-Định nghĩa Hệ sinh thái
“Hệ sinh thái là một hệ thống bao gồm các sinh vật tác động qua lại với môi trường bằng các dòng năng lượng tạo nên cấu trúc dinh dưỡng nhất định đa dạng về loài và các chu trình vật chất.”
A-2-Đặc điểm Hệ sinh thái
Hệ sinh thái có thể hiểu nó bao gồm quần xã sinh vật (động vật, thực vật, vi sinh vật) và môi trường vô sinh (ánh sáng, nhiệt độ, chất vô cơ...)
Tùy theo cấu trúc dinh dưỡng tạo nên sự đa dạng về loài, cao hay thấp, tạo nên chu trình tuần hoàn vật chất (chu trình tuần hoàn vật chất hiện nay hầu như chưa được khép kín vì dòng vật chất lấy ra không đem trả lại cho môi trường đó).
Hệ sinh thái có kích thước to nhỏ khác nhau và cùng tồn tại độc lập (nghĩa là không nhận năng lượng từ hệ sinh thái khác).
Hệ sinh thái là đơn vị cơ bản của sinh thái học và được chia thành hệ sinh thái nhân tạo  hệ sinh thái tự nhiên.
Đặc điểm của hệ sinh thái là một hệ thống hở có 3 dòng (dòng vào, dòng ra và dòng nội lưu) vật chất, năng lượng, thông tin.
Hệ sinh thái cũng có khả năng tự điều chỉnh để duy trì trạng thái cân bằng, nếu một thành phần thay đổi thi các thành phần khác cũng thay đổi theo ở mức độ nào đó để duy trì cân bằng, nếu biến đổi quá nhiều thì sẽ bị phá vỡ cân bằng sinh thái.
A-3-Các đặc trưng của Hệ sinh thái
Vòng tuần hoàn vật chất:
-Trong hệ sinh thái, chu trình của vật chất đi từ môi trường bên ngoài vào cơ thể sinh vật, rồi từ sinh vật này sang sinh vật kia theo chuỗi thức ăn, rồi lại phân hủy thành các chất vô cơ đi ra môi trường được gọi là vòng tuần hoàn sinh-địa-hóa.
-Nguồn năng lượng từ bức xạ mặt trời đến được trái đất thì chỉ khoảng 50% đi vào hệ sinh thái, số còn lại chuyển thành nhiệt năng (phản xạ).
-Sinh vật sản xuất chỉ sử dụng 1% tổng năng lượng tiếp nhận này để chuyển sang dạng hóa năng dự trữ dưới dạng chất hữu cơ nhờ quá trình quang hợp.
-Cứ qua mỗi bậc dinh dưỡng thì chỉ 10% năng lượng được tích lũy và chuyễn lên bậc tiếp theo, còn 90% thất thoát dưới dạng nhiệt, như vậy càng lên cao năng lượng tích lũy càng giảm.
-Khi sinh vật chết đi, phần năng lượng dưới chất hữu cơ ở cơ thể được vi sinh vật phân hủy và sữ dụng, 90% thất thoát dạng nhiệt.
=> Dòng năng lượng trong hệ sinh thái không tuần hoàn.
Sự tiến hóa của hệ sinh thái:
-Phát sinh và phát triển để đạt được trạng thái ổn định lâu dài: tức trạng thái đỉnh cực (climax) .
-Quá trình này gọi là sự diễn thế sinh thái.
Cân bằng sinh thái:
- Là sự ổn định về số lượng cá thể của quần thể ở trạng thái ổn định, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện môi trường.
- Các hệ sinh thái tự nhiên đều có cơ chế tự điều chỉnh để đạt trạng thái cân bằng. Cân bằng sinh thái dưới sự tác động bởi yếu tố bên ngoài là cân bằng mới.
-Con người có tác động lớn đến quá trình cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên, nhưng tác động chủ yếu theo mặt tiêu cực đến sự cân bằng của hệ sinh thái.
Các dòng năng lượng
Năng lượng là một phương thức sinh ra công, năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi mà nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác (Định luật bảo toàn năng lượng).
Dựa vào nguồn năng lượng hệ sinh thái được chia thành:
-Hệ sinh thái nhận năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời: rừng, biển, đồng cỏ tự nhiên v.v.
-Hệ sinh thái nhận năng lượng môi trường và năng lượng tự nhiên khác bổ sung: như hệ sinh thái cửa sông được bổ sung từ nhiều nguồn nước. Hệ sinh thái vùng trũng cũng vậy.
-Hệ sinh thái nhận năng lượng ánh sáng mặt trời và nguồn năng lượng do con người bổ sung: như hệ sinh thái nông nghiệp, đồng cỏ chăn nuôi, vườn cây lâu năm: cây ăn quả, cây công nghiệp: chè, cao su, cà phê, dâu tằm...
-Hệ sinh thái nhận năng lượng chủ yếu là năng lượng công nghiệp như: điện, nguyên liệu...
Năng lượng trong hệ sinh thái gồm các dạng:
-Quang năng chiếu vào không gian hệ sinh thái,
-Hóa năng là các chất hóa sinh học của động vật và thực vật,
-Động năng là năng lượng làm cho hệ sinh thái vận động như: gió, vận động của động vật, thực vật, nhựa nguyên, nhựa luyện,
Nhiệt năng làm cho các thành phần hệ sinh thái có nhiệt độ nhất định: nhiệt độ môi trường, nhiệt độ cơ thể.
Năng suất Hệ sinh thái
Các hệ sinh thái có 2 loại năng suất:
-Năng suất sơ cấp: đó là năng suất của sinh vật sản xuất
-Năng suất thứ cấp: đó là năng suất của sinh vật tiêu thụ
Năng suất được tính là: Gam chất khô/m²/ngày
Chu trình tuần hoàn
Môi trường → Sinh vật sản xuất → Sinh vật tiêu thụ → Sinh vật phân hủy 
-Sinh vật sản xuất hay sinh vật tự dưỡng là những vật mà thông qua phản ứng quang hợp có thể chuyển hoá các thành phần vô cơ thành các dạng vật chất. Năng lượng Mặt Trời thông qua quang hợp đã liên kết các phần tử vô cơ thành các phần tử hữu cơ.
-Sinh vật tiêu thụ hay sinh vật dị dưỡng là những sinh vật không có khả năng quang hợp. Những sinh vật này tồn tại dựa vào nguồn thức ăn ban đầu do sinh vật tự dưỡng tạo ra.
-Sinh vật phân huỷ là sinh vật dị dưỡng sống hoại sinh bao gồm các loại nấm, vi khuẩn. Chúng tiếp nhận nguồn Năng lượng hoá học khi sinh vật khác phân huỷ và bẻ gãy các phân tử hữu cơ để tồn tại và phát triển. Sinh vật phân huỷ thải vào môi trường những chất đơn giản hoặc những nguyên tố hoá học mà lúc đầu các sinh vật sản xuất sử dụng để tổng hợp các chất hữu cơ.
-Môi trường: các chất vô cơ (bao gồm cả các nguyên tố sinh học: N, C, H, O, Cu, Zn,.. các nguyên tố vi lượng tham gia vào enzim), chất khí (N2,O2,CO2...), nước.
Tiến hóa
Hệ sinh thái cũng có quá trình tiến hóa, từ bập thấp đến bậc cao, sinh vật tác động đến môi trường, môi trường thay đổi tác động trở lại sinh vật, giữa sinh vật và môi trường gắn bó với nhau.
-Quá trình tiến hóa: Hệ sinh thái trẻ  Hệ sinh thái già  Hệ sinh thái cao đỉnh
-Khi hệ sinh thái đạt tới đỉnh cao thì cân bằng sinh thái tự nhiên được thiết lập (cân bằng giữa sinh vật-môi trường, sinh vật sản xuất-sinh vật tiêu thụ, sinh vật ký sinh-sinh vật ký chủ, vật mồi-vật ăn thịt
-Con người là yếu tố rất quan trọng có thể tác động làm thay đổi hệ sinh thái.
Sự chuyển hoá vật chất
Chuỗi thức ăn là một dãy bao gồm nhiều loài sinh vật, mỗi loài là một mắt xích thức ăn, mỗi mắt xích thức ăn tiêu thụ mắt xích trước nó và lại bị mắt xích phía sau tiêu thụ.
Trong một hệ sinh thái luôn xảy ra sự trao đổi vật chất và năng lượng trong nội bộ quần xã, giữa các quần xã với các thành phần bên ngoài của nó.
Chuỗi thức ăn tổng quát có dạng: SVSX → SVTT bậc 1 → SVTT bậc 2 → SVTT bậc 3 → ... → SV phân huỷ
-Lưới thức ăn: Tổng hợp những chuỗi thức ăn có quan hệ với nhau trong hệ sinh thái. Mỗi loài trong quần xã không chỉ liên hệ với một chuỗi thức ăn mà có thể liên hệ với nhiều chuỗi thức ăn.
-Bậc dinh dưỡng: Bao gồm những mắt xích thức ăn trong cùng một nhóm sắp xếp theo các thành phần của cùng một chuỗi thức ăn bao gồm SVSX, SVTT bậc 1, SVTT bậc 2, ...
-Chu trình sinh-địa-hoá: Trong hệ sinh thái vật chất luôn vận chuyển, biến đổi trong các chu trình từ cơ thể sống vào trong môi trường và ngược lại. Chu trình này gọi là chu trình sinh-địa-hoá. Bao gồm các Chu trình:
-Chu trình H2O.
-Chu trình C.
-Chu trình N.
-Chu trình P:
Các thành phần của Hệ sinh thái
A-4-Một số hệ sinh thái thường gặp:
-Hệ sinh thái nông nghiệp
-Hệ sinh thái rừng
-Hệ sinh thái biển
-Hệ sinh thái ao hồ
-Hệ sinh thái đồng cỏ tự nhiên
-Hệ sinh thái đô thị.
Trong hệ sinh thái Nông nghiệp có nhiều Hệ sinh thái ở cấp thấp hơn như:
-Hệ sinh thái ruộng lúa.
-Hệ sinh thái vườn cây ăn quả.
-Hệ sinh thái vườn hoa…

B-GIỚI THIỆU VỀ CÔNG NGHỆ SINH THÁI

Thuật ngữ "Hệ sinh thái" phát triển song song với chương trình IPM tại VN trong suốt nhiều năm qua. Năm 2010, Cục BVTV triển khai chương trình " Công nghệ sinh thái" dựa trên cơ sở IPM. Vậy " Công nghệ sinh thái" là gì và cách triển khai như thế nào? Thông tin này cung cấp cho CBKT các kiến thức cơ bản.

Trồng hoa trên bờ ruộng: Mô hình Công nghệ sinh thái
B-1. KHÁI NIỆM “CÔNG NGHỆ SINH THÁI”
Công nghệ sinh thái “ecological engineering” là thuật ngữ được Nhà sinh thái học Mỹ, Dr Odum sử dụng đầu tiên năm 1962 và được hiểu như là “ Sự thao tác của con người về môi trường bằng cách sử dụng một khối năng lượng bổ sung nhỏ để điều khiển một hệ thống mà trong đó các nguồn năng lượng chính yếu vẫn đang tiếp tục được huy động đến từ  nguồn tài nguyên tự nhiên”.
Những năm gần đây, Mitsch and Jorgensen (1989) đã xác định Công nghệ sinh thái như là “ Sự kết cấu của xã hội loài người với môi trường tự nhiên của nó vì sự lợi của cả đôi bên”, đó chính là sự  thiết kế lại hệ thống ruộng lúa sao cho kết cấu giữa thực vật (Flora) và động vật (Fauna) một cách hài hòa và  phong phú. Từ đó tạo được chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn trong sự biến động nhưng cân bằng.
Các hoạt động này còn được gọi là “Dịch vụ sinh thái” (Ecological Services). Từ chuỗi dịch vụ sinh thái này,  các thiên địch sẽ tấn công các loài sâu hại và giữ mật số của dịch hại ở mức thấp nhất không gây ra sự mất mát năng suất và con người không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Ngày nay, nếu con người có thể áp dụng thành công “Công nghệ di truyền” (genetic engineering) để điều khiển bộ gen của cây trồng nhằm tạo ra các giống cây mới có đặc tính mong muốn, thì tương tự, cũng có thể áp dụng công nghệ sinh thái (ecological engineering) để kiến thiết đồng ruộng theo nhu cầu của hệ sinh thái.
Chúng ta sử dụng quan điểm “Dịch vụ sinh thái” để bổ sung cái còn thiếu trong hệ sinh thái nhằm thu hút năng lượng (thiên địch đến diệt trừ sâu hại cây trồng) trong tự nhiên để tạo sự cân bằng bền vững trong hệ sinh thái  (đôi bên cùng có lợi).
Trên cơ sở  đó, các nhà Khoa học của Viên nghiên cứu lúa quốc tế IRRI đã đưa ra các mô hình quản lý dịch hại nông nghiệp nói chung và dịch hại lúa nói riêng. Nội dung chính của mô hình Công nghệ sinh thái là việc trồng các loại cây có hoa  trên các bờ ruộng. Cây hoa này có phấn và  mật sẽ thu hút  các loài thiên địch đến cư trú và sinh sản  vì ở giai đoạn trưởng thành chúng cần ăn thêm mật và phấn hoa để bổ sung năng lượng cho sự sinh sản. Sự hiện diện của thiên địch sẽ giúp khống chế sự tấn công của sâu hại. Trồng và chăm sóc các loài cây nhỏ có nhiều hoa và hoa phát triển quanh năm sẽ thu hút nhiều côn trùng có ích.  
B-2. NHỮNG LỢi ÍCH CỦA MÔ HÌNH “CÔNG NGHỆ SINH THÁI”
-Thu hút ong mật và ong ký sinh đến bảo vệ ruộng lúa
Các loài ong ký sinh có xu tính ăn thêm mật hoa nên chúng bị thu hút đến các mô hình Công nghệ sinh thái. Ngoài ra nhện, kiến ba khoang… cũng phát triển mạnh trong hệ sinh thái cân bằng và chúng được sử dụng như một đội quân bảo vệ lúa, trực tiếp tấn công các loài sâu hại,  tạo sự đa dạng sinh học, bảo vệ sự cân bằng hệ sinh thái.
-Giảm chi phí thuốc trừ sâu
Không cần phải phun thuốc cho cánh đồng có hoa trồng dọc theo bờ ruộng vì ong ký sinh thuờng xuyên bay từ ruộng vào bờ tìm mật hoa (thức ăn)  sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng (ký sinh theo bản năng). Đặc biệt nhất là trứng rầy nâu sẽ bị ong kí sinh hơn 80% ở những ruộng sử dụng “công nghệ sinh thái” theo kết quả của Trung tâm BVTV phía Nam  thực hiện tại Tiền Giang vụ ĐX 2009-2010.
-Tăng lợi nhuận
Ngoài tiết kiệm chi phí  sử dụng thuốc trừ sâu, một nguồn lợi đuợc tăng lên từ việc trồng cây mè, cây đậu bắp hoặc cây ngắn ngày nào khác cho nhiều hoa. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp đối với những vùng lúa gần khu vực nuôi trồng thủy sản hay khu ruộng nuôi trồng kết hợp lúa -cá, lúa-tôm.   
-Tạo cảnh quan nông thôn
Bờ ruộng có nhiều hoa với màu sắc sặc sỡ, tạo mỹ quan cho cánh đồng , điều đó cũng làm cho người nông dân phấn khởi, thoải mái khi đi làm công việc đồng áng..

C.CÁC BƯỚC THỰC HIỆN MÔ HÌNH

C-1. Chọn hoa: Nên chọn loại hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, có nhiều màu sắc sặc sỡ. Một số loại cỏ có hoa được chọn để triển khai trong việc nhân rộng mô hình là: Sài đất (Wedilia chinensis), Xuyến chi (Bidens pilosa), cúc Gót (Colobogyne sp.) và cỏ Cứt lợn (Agelatum conyzoides). Đặc điểm là chúng có nhiều hoa với mật, phấn hoa và hương thơm thu hút nhiều côn trùng thiên địch mà lại dễ trồng, ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm.
Ngoài ra, tuỳ điều kiện cụ thể ở địa phương , bà con nông dân  cũng có thể trồng một số loại cây có giá trị kinh tế như cây mè, cây đậu xanh, đậu bắp.
C-2. Kỹ thuật trồng hoa
C-2.1  Nhân giống hoa
- Nhân giống hoa trước khi xuống giống lúa.
- Gieo hạt trực tiếp hoặc trong bầu  hoặc giâm cành tùy theo loại hoa trồng.
C-2.2  Cách trồng
- Khoảng cách trồng thay đổi tùy theo loại cây hoa hay cây trồng khác.
- Trồng hoặc gieo trực tiếp dọc theo hai bên bờ ruộng trước hoặc ngay sau khi sạ lúa.
C-2.3  Chăm sóc cây hoa
Trong giai đoạn đầu, sau khi trồng cây hoa cần đuợc tưới nước để có thể phát triển. Cần bảo vệ tránh sự phá hoại của trâu bò hay gà, vịt nếu ruộng gần nhà.
Khi thu hoạch lúa, những cây có khả năng tái sinh như xuyến chi, đậu bắp.. nên cắt chừa gốc để cây ra chồi mới sẽ đỡ tốn công trồng lại.
C-3.  Gieo sạ lúa
Làm đất kỹ, quản l‎ý tốt cỏ dại ngay từ đầu vụ. Sử dụng giống tốt , sạ lúa đồng loạt đúng theo lịch thời vụ của địa phuơng, sạ thưa sạ hàng, bón phân cân đối NPK.
C-4. Chăm sóc lúa
-Thực hiện theo chuơng trình  “Thâm canh lúa cải tiến SRI”, “3 Giảm 3 Tăng” hay “1 Phải 5 Giảm”.
- Áp dụng tốt chương trình IPM
- Hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch, con người và môi trường.

D. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CÔNG NGHỆ SINH THÁI

D-1-CÁC KẾ QUẢ TRIỂN KHAI Ở NƯỚC NGOÀI
Mô hình Công nghệ sinh thái (ecological engineering) là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất về quản lý dịch hại trên ruộng lúa ở quy mô Hộ nông dân và quy mô cộng đồng được các nhà khoa học về nông nghiệp và sinh thái trên thế giới đánh giá cao và đang có những dự án triển khai các mô hình này ra nhiều nước trồng lúa trên thế giới.
Tổ chức FAO và Viện lúa Quốc tế IRRI phối hợp với các Tổ chức BVTV Quốc tế và Khu vực, các Trường Đại học Nông nghiệp và các Tổ Chức BVTV quốc gia triển khai mô hình này trong nhiều năm qua và có những kết luật quan trọng về hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế để áp dụng trong cộng đồng sản xuất lúa gạo.
Những nước tham gia tích cực đưa Mô hình Công nghệ sinh thái vào đồng ruộng gồm có Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc bắt đầu triển khai vào tháng 11 năm 2009.
Kỹ thuật sinh thái là một nghiên cứu mới nổi tích hợp sinh thái và kỹ thuật có liên quan với thiết kế, giám sát và xây dựng các hệ sinh thái. Theo Mitsch (1996) "thiết kế của các hệ sinh thái bền vững có ý định để tích hợp xã hội của con người với môi trường tự nhiên của nó vì lợi ích của cả hai".
D-2-CÁC KẾ QUẢ TRIỂN KHAI Ở VIỆT NAM
Mô hình do chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) từ vụ đông xuân 2009-2010 với cái tên là chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái".
Nông dân trong vùng được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa chung quanh khu ruộng. Kết quả, tính trên mỗi ha tiết kiệm được đến 500 nghìn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun.
Sau Tiền Giang, tỉnh thứ hai thực hiện là An Giang trong ba vụ liên tiếp, kết hợp áp dụng biện pháp "1 phải 5 giảm và quy trình GlobalGAP". Kết quả cho thấy, ruộng lúa gần như không phải phun thuốc trừ sâu, rầy mà vẫn đạt năng suất hơn 6 tấn/ha ở vụ hè thu và thu đông, còn vụ đông xuân lên đến hơn bảy tấn/ha, tăng gần một tấn/ha so canh tác bình thường.
Qua phản ánh của những nông dân thực hiện mô hình, thì khi trồng những cây ra hoa mầu trắng và mầu vàng thường có nhiều phấn, sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đến tiến công các loài sâu hại nên không phải phun thuốc như lối canh tác thông thường.
Còn các cán bộ kỹ thuật địa phương thì đánh giá mô hình "ruộng lúa bờ hoa" mang lại hiệu quả rất lớn, vì nó dẫn dụ thiên địch tìm đến và hầu hết các loại thiên địch đều ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả nhện gié. Đặc biệt, những thiên địch như nhện, bọ rùa... bắt sâu cuốn lá, rầy và tất cả các loài sâu hại khác rất giỏi nên ruộng không cần phun thuốc trừ sâu rầy mà hầu như không xảy ra dịch bệnh gì. Áp dụng mô hình này sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Đây là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Qua các mô hình đã thực nghiệm thành công, có thể nhận thấy: Để thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, rộng hợp lý, nhất là không bị ngập úng hay mặt bờ quá hẹp. Còn về giống các loài hoa được khuyến cáo trồng trên bờ để vừa có tác dụng thu hút, nhân nuôi tốt các loài côn trùng có ích, nhất là loài ong ký sinh, thì bao gồm nhiều loại như: hoa sao nhái, hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa quỳ, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp, đậu xanh... Những loài hoa này nên trồng trước khi sạ lúa, tốt nhất là khoảng một tháng để thu hút các loài côn trùng có ích trước khi cây lúa cần bảo vệ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, “trồng hoa trên bờ ruộng sẽ hấp dẫn ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó chúng bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng. Tuy trên ruộng lúa, sâu rầy vẫn có, nhưng thiên địch sẽ nhiều hơn, giúp tiêu diệt sâu rầy làm giảm mật số gây hại, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp. Nhờ vậy mà tạo được sự cân bằng sinh học trên đồng ruộng, giúp nông dân không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ khi nào thật cấp thiết mới phải sử dụng, nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật".
Chương trình này nhằm vào hai mục tiêu chính là: tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngừng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng cho hệ sinh thái ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu.
Còn lãnh đạo địa phương thì cho rằng mô hình "ruộng lúa bờ hoa" sẽ tạo ra bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng theo hướng phát triển cộng đồng để đạt mục tiêu lâu dài như: nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường...
Trong bối cảnh sử dụng thuốc BVTV tràn lan trong nông nghiệp thì Chương trình "Ruộng lúa bờ hoa" đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng khi sử dụng thuốc hóa học là rất hạn chế, chỉ khi thật cần thiết và phải tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng", mà ưu tiên lợi dụng thiên địch để quản lý rầy nâu, giữ sự cân bằng sinh thái trên ruộng lúa.
Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái "ruộng lúa bờ hoa" trên cây lúa thành công đã mở ra triển vọng mới và vững chắc cho sản xuất lúa gạo sạch ở ĐBSCL đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, giúp bà con nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống tốt hơn. Nông dân các vùng trồng lúa - cá đồng, lúa - tôm trong vùng bán đảo Cà Mau và ven biển Miền Tây nên tìm hiểu, học tập nhân rộng, nhất là ở những nơi có bờ bao khuôn hộ cao rộng đủ điều kiện.
Hiện nay, Phú Yên và các tỉnh Bắc Trung Bộ đang phải đối mặt với sự gây hại của Rầy nâu và Rầy lưng trắng đồng nghĩa với việc đồng lúa có nguy cơ cao với hai bệnh virus là Vàng lùn-lùn xoắn lá và Lùn sọc đen. Đẻ hạn chế tác hại của hai của chúng thì việc quản lý Rầy là cần thiết và mô hình Công nghệ sinh thái là biện pháp quản lý Rầy tốt nhất hiện nay.

Mô hình Công nghệ sinh thái
Tài liệu tham khảo
                                                                                        Bài Kỹ sư Hồ Đình Hải