Ngày lương thực thế giới


Ngày Lương thực thế giới

Ngày lương thực thế giới 16/10

Trụ sở của Ủy ban quốc gia Ngày Lương thực thế giới của Hoa Kỳ
Ngày Lương thực thế giới được cử hành vào ngày 16 tháng 10 hàng năm trên khắp thế giới, để kỷ niệm ngày thành lập Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) của Liên Hiệp Quốc năm 1945. Ngày này cũng là Ngày Khoa học kỹ thuật thực phẩm.

1-Nguồn gốc

Ngày Lương thực thế giới được các nước thành viên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc thiết lập tại Đại hội lần thứ 20 của Tổ chức này trong tháng 11 năm 1979. Phái đoàn Hungary - do tiến sĩ Pál Romány, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Hungary thời bấy giờ lãnh đạo-đã đề xuất ý tưởng cử hành Ngày Lương thực thế giới trên toàn cầu. Từ đó, ngày Lương thực thế giới được cử hành hàng năm ở hơn 150 quốc gia, nhằm nâng cao nhận thức về những vấn đề nghèo và đói.

2-Các chủ đề

Từ năm 1981, mỗi năm Ngày Lương thực thế giới đều chọn một chủ đề khác nhau để làm nổi bật các phạm vi cần thiết cho hành động và đưa ra một tiêu điểm chung.
Năm    Chủ đề
2012    Hợp tác nông nghiệp - chìa khóa nuôi sống thế giới
2011    Giá lương thực - từ khủng hoảng đến ổn định
2010    Đoàn kết chống nạn đói
2009    Mục tiêu an ninh lương thực trong thời khủng hoảng
2008    An ninh lương thực thế giới : các thách thức của Biến đổi khí hậu và Năng lượng sinh học
2007    Quyền sử dụng lương thực
2006    Đầu tư vào nông nghiệp để được an ninh lương thực
2005    Nông nghiệp và đối thoại liên văn hóa
2004    Đa dạng sinh học đối với an ninh lương thực
2003    Cùng làm việc cho một Liên minh quốc tế chống nạn đói
2002    Nước : nguồn an ninh lương thực
2001    Đấu tranh chống nạn đói để giảm nghèo
2000    Một thiên niên kỷ không có nạn đói
1999    Tuổi trẻ chống nạn đói
1998    Phụ nữ nuôi thế giới
1997    Đầu tư vào an ninh lương thực
1996    Đấu tranh chống nạn đói và suy dinh dưỡng
1995    Thực phẩm cho mọi người
1994    Nước cho sự sống
1993    Gặt hái sự đa dạng của Thiên nhiên
1992    Thực phẩm và dinh dưỡng
1991    Cây trồng cho đời sống
1990    Thực phẩm cho tương lai
1989    Thực phẩm và môi trường
1988    Tuổi trẻ nông thôn
1987    Các chủ nông trại nhỏ
1986    Ngư dân và các Cộng đồng ngư nghiệp
1985    Nạn nghèo nông thôn
1984    Phụ nữ trong Nông nghiệp
1983    An ninh lương thực
1982    Thực phẩm trước hết
1981    Thực phẩm trước hết

3-Việc tổ chức Ngày Lương thực thế giới

Ngày Lương thực thế giới được tổ chức hàng năm ở hơn 150 quốc gia. Dưới đây là một số ví dụ về việc cử hành Ngày Lương thực thế giới tại một số nước trong những năm gần đây.
3-1-Ở Hoa Kỳ
Ngày Lương thực thế giới đã trở thành một ngày truyền thống ở Hoa Kỳ từ khi thiết lập năm 1981. Ở Hoa Kỳ nỗ lực dành cho ngày này được 450 tổ chức công và tư tự nguyện bảo trợ. Một ví dụ về Ngày Lương thực thế giới năm 2011 là các bữa ăn trong ngày này do Oxfam hợp tác với nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác bảo trợ. Tổng giám mục danh dự Desmond Tutu và tác giả Francis Moore Lappe đã hợp sức với Oxfam để xúc tiến việc tổ chức bữa ăn ngày chủ nhật Lương thực thế giới này.
3-2-Ở Châu Âu
Tại Ý năm 2005, các bộ, các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quốc tế và các tổ chức phi chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội nghị chuyên đề cũng như triển lãm về lương thực. Bộ Nông Lâm Ý đã tổ chức một cuộc mít tinh tập chú vào vấn đề quyền của các phụ nữ ở vùng nông thôn.
Tại Đức, Bộ bảo vệ người tiêu dùng, Lương thực và Nông nghiệp liên bang đều tham gia Ngày Lương thực thế giới thông qua các cuộc họp báo.
Tại Tây Ban Nha, đài truyền hình Tây Ban Nha đã tích cực truyền các sự kiện về Ngày Lương thực thế giới. Đại sứ thiện chí của FAO - cầu thủ bóng đá Tây Ban Nha Raul – đã tham gia vào các sự kiện kỷ niệm và giúp làm nổi bật các vấn đề an ninh lương thực trên khắp nước.
Tại Vương quốc Anh, nhóm Lương thực vương quốc Anh cũng tham gia tích cực ngày kỷ niệm này thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tại các nước có nền kinh tế mới nổi ở Đông Âu – như Albania,  Armenia,  Croatia, Cộng hòa Séc, Gruzia, Macedonia, Moldova, Serbia và Montenegro, Slovakia – nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới cũng được tổ chức.
Tại Hungary, các chuyên gia lương thực nổi tiếng tham gia vào các buổi trình diễn tại Nhà bảo tàng Nông nghiệp Hungary. Đại diện của "Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc" trong khu vực cũng đã trao các Huy chương Ngày Lương thục thế giới cho các chuyên gia Hungary.
Nhân danh Tòa Thánh, các giáo hoàng Gioan Phaolô II  giáo hoàng Biển Đức XVI đã gửi thông điệp hàng năm cho các nhà sản xuất lương thực thực phẩm và những người tiêu dùng vào Ngày Lương thực thế giới.
3-3-Ở Châu Phi
Angola đã cử hành Ngày Lương thực thế giới năm 2005 bằng việc tổ chức Diễn đàn về Phụ nữ nông thôn lần thứ 4. Còn tại Burundi đệ nhị Phó tổng thống đã tham gia lễ trồng khoai tây như một biểu tượng của việc sản xuất lương thực. Tại Cộng hòa Trung Phi, tổng thống nước này đã khánh thành một cây cầu ở Boda nhân Ngày Lương thực thế giới, tạo thuận lợi cho việc giao thông vận chuyển tới khu vực sản xuất lương thực này.
Tại Chad, hàng ngàn người đã tham dự các cuộc thảo luận, hội nghị và các hoạt động ngày Lương thực thế giới, như xem kịch, phim, nhẩy múa dân gian, thăm các nơi có dự án nông nghiệp và các công ty nông nghiệp.
Tại Ghana, Bộ Lương thực và Nông nghiệp tổ chức một hội nghị an ninh lương thực. Còn tại Namibia thì phát động một chiến dịch nâng cao ý thức về an ninh lương thực thông qua các phương tiện truyền thong quốc gia.
Ai Cập tổ chức một cuộc hội thảo về các vấn đề dinh dưỡng. Maroc  Tunisia  thì tổ chức các hội nghị chuyên đề và triển lãm về lương thực.
3-4-Ở Châu Á
Chính phủ Bangladesh tổ chức lễ hội lương thực. Tại Trung quốc năm 2005, Bộ Nông nghiệp tổ chức kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới tại thành phố Khúc Tĩnh, nơi có nhiều sắc tộc thiểu số sinh sống.
Tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tổ chức các hội thảo chuyên đề và tham quan các địa điểm có dự án nông nghiệp.
Tại Indonesia Bộ Nông nghiệp tổ chức Triển lãm Lương thực tại Bandung, Tây Java, còn các tổ chức phi chính phủ của nông dân và ngư dân thì tổ chức hội thảo ở Bali.
Tại Armenia, Bộ Nông nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, Trường Đại học Nông nghiệp quốc gia Armenia, các tổ chức quốc tế và các phương tiện truyền thông đại chúng tham gia lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới.
Tại Afghanistan, các đại diện các Bộ trong chính phủ, các đại sứ quán, các cơ quan Liên Hiệp Quốc, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế cùng các nhân viên FAO đã tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới.
Tại Cyprus, các buổi lễ đặc biệt được tổ chức ở các trường tiểu và trung học, nơi các giáo viên giải thích ý nghĩa của Ngày Lương thực thế giới.
3-5-Ở Châu Mỹ Latinh
Tại Chile, các cuộc triển lãm các sản phẩm lương thực bản xứ được các cộng đồng địa phương tổ chức.
Tại Argentina, các quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế và giới báo chí tham dự lễ kỷ niệm Ngày Lương thực thế giới.
Tại Mexico năm 2005, một chiến dịch quốc gia cho một "Mexico không có Nạn đói" đã đưọc tổ chức, với sự hỗ trợ của các sinh viên và xã hội dân sự.
Tại Cuba, các nhà sản xuất lương thực thực phẩm trao đổi quan điểm tại các hội chợ nông nghiệp.
Tại Venezuela các phương tiện truyền thông tích cực hỗ trợ chiến dịch nâng cao nhận thức về vấn đề lương thực trong Ngày Lương thực thế giới.
Tài liệu Tham khảo
12-From Wikipedia, the free encyclopedia
                                                                   Kỹ sư Hồ Đình Hải

Công nghệ sinh thái


CÔNG NGHỆ SINH THÁI

Hệ sinh thái lúa đồi Sapa

Hệ sinh thái lúa đồi
-

A-GIỚI THIỆU VỀ HỆ SINH THÁI

A-1-Định nghĩa Hệ sinh thái
“Hệ sinh thái là một hệ thống bao gồm các sinh vật tác động qua lại với môi trường bằng các dòng năng lượng tạo nên cấu trúc dinh dưỡng nhất định đa dạng về loài và các chu trình vật chất.”
A-2-Đặc điểm Hệ sinh thái
Hệ sinh thái có thể hiểu nó bao gồm quần xã sinh vật (động vật, thực vật, vi sinh vật) và môi trường vô sinh (ánh sáng, nhiệt độ, chất vô cơ...)
Tùy theo cấu trúc dinh dưỡng tạo nên sự đa dạng về loài, cao hay thấp, tạo nên chu trình tuần hoàn vật chất (chu trình tuần hoàn vật chất hiện nay hầu như chưa được khép kín vì dòng vật chất lấy ra không đem trả lại cho môi trường đó).
Hệ sinh thái có kích thước to nhỏ khác nhau và cùng tồn tại độc lập (nghĩa là không nhận năng lượng từ hệ sinh thái khác).
Hệ sinh thái là đơn vị cơ bản của sinh thái học và được chia thành hệ sinh thái nhân tạo  hệ sinh thái tự nhiên.
Đặc điểm của hệ sinh thái là một hệ thống hở có 3 dòng (dòng vào, dòng ra và dòng nội lưu) vật chất, năng lượng, thông tin.
Hệ sinh thái cũng có khả năng tự điều chỉnh để duy trì trạng thái cân bằng, nếu một thành phần thay đổi thi các thành phần khác cũng thay đổi theo ở mức độ nào đó để duy trì cân bằng, nếu biến đổi quá nhiều thì sẽ bị phá vỡ cân bằng sinh thái.
A-3-Các đặc trưng của Hệ sinh thái
Vòng tuần hoàn vật chất:
-Trong hệ sinh thái, chu trình của vật chất đi từ môi trường bên ngoài vào cơ thể sinh vật, rồi từ sinh vật này sang sinh vật kia theo chuỗi thức ăn, rồi lại phân hủy thành các chất vô cơ đi ra môi trường được gọi là vòng tuần hoàn sinh-địa-hóa.
-Nguồn năng lượng từ bức xạ mặt trời đến được trái đất thì chỉ khoảng 50% đi vào hệ sinh thái, số còn lại chuyển thành nhiệt năng (phản xạ).
-Sinh vật sản xuất chỉ sử dụng 1% tổng năng lượng tiếp nhận này để chuyển sang dạng hóa năng dự trữ dưới dạng chất hữu cơ nhờ quá trình quang hợp.
-Cứ qua mỗi bậc dinh dưỡng thì chỉ 10% năng lượng được tích lũy và chuyễn lên bậc tiếp theo, còn 90% thất thoát dưới dạng nhiệt, như vậy càng lên cao năng lượng tích lũy càng giảm.
-Khi sinh vật chết đi, phần năng lượng dưới chất hữu cơ ở cơ thể được vi sinh vật phân hủy và sữ dụng, 90% thất thoát dạng nhiệt.
=> Dòng năng lượng trong hệ sinh thái không tuần hoàn.
Sự tiến hóa của hệ sinh thái:
-Phát sinh và phát triển để đạt được trạng thái ổn định lâu dài: tức trạng thái đỉnh cực (climax) .
-Quá trình này gọi là sự diễn thế sinh thái.
Cân bằng sinh thái:
- Là sự ổn định về số lượng cá thể của quần thể ở trạng thái ổn định, hướng tới sự thích nghi cao nhất với điều kiện môi trường.
- Các hệ sinh thái tự nhiên đều có cơ chế tự điều chỉnh để đạt trạng thái cân bằng. Cân bằng sinh thái dưới sự tác động bởi yếu tố bên ngoài là cân bằng mới.
-Con người có tác động lớn đến quá trình cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên, nhưng tác động chủ yếu theo mặt tiêu cực đến sự cân bằng của hệ sinh thái.
Các dòng năng lượng
Năng lượng là một phương thức sinh ra công, năng lượng không tự nhiên sinh ra mà cũng không tự nhiên mất đi mà nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác (Định luật bảo toàn năng lượng).
Dựa vào nguồn năng lượng hệ sinh thái được chia thành:
-Hệ sinh thái nhận năng lượng từ ánh sáng Mặt Trời: rừng, biển, đồng cỏ tự nhiên v.v.
-Hệ sinh thái nhận năng lượng môi trường và năng lượng tự nhiên khác bổ sung: như hệ sinh thái cửa sông được bổ sung từ nhiều nguồn nước. Hệ sinh thái vùng trũng cũng vậy.
-Hệ sinh thái nhận năng lượng ánh sáng mặt trời và nguồn năng lượng do con người bổ sung: như hệ sinh thái nông nghiệp, đồng cỏ chăn nuôi, vườn cây lâu năm: cây ăn quả, cây công nghiệp: chè, cao su, cà phê, dâu tằm...
-Hệ sinh thái nhận năng lượng chủ yếu là năng lượng công nghiệp như: điện, nguyên liệu...
Năng lượng trong hệ sinh thái gồm các dạng:
-Quang năng chiếu vào không gian hệ sinh thái,
-Hóa năng là các chất hóa sinh học của động vật và thực vật,
-Động năng là năng lượng làm cho hệ sinh thái vận động như: gió, vận động của động vật, thực vật, nhựa nguyên, nhựa luyện,
Nhiệt năng làm cho các thành phần hệ sinh thái có nhiệt độ nhất định: nhiệt độ môi trường, nhiệt độ cơ thể.
Năng suất Hệ sinh thái
Các hệ sinh thái có 2 loại năng suất:
-Năng suất sơ cấp: đó là năng suất của sinh vật sản xuất
-Năng suất thứ cấp: đó là năng suất của sinh vật tiêu thụ
Năng suất được tính là: Gam chất khô/m²/ngày
Chu trình tuần hoàn
Môi trường → Sinh vật sản xuất → Sinh vật tiêu thụ → Sinh vật phân hủy 
-Sinh vật sản xuất hay sinh vật tự dưỡng là những vật mà thông qua phản ứng quang hợp có thể chuyển hoá các thành phần vô cơ thành các dạng vật chất. Năng lượng Mặt Trời thông qua quang hợp đã liên kết các phần tử vô cơ thành các phần tử hữu cơ.
-Sinh vật tiêu thụ hay sinh vật dị dưỡng là những sinh vật không có khả năng quang hợp. Những sinh vật này tồn tại dựa vào nguồn thức ăn ban đầu do sinh vật tự dưỡng tạo ra.
-Sinh vật phân huỷ là sinh vật dị dưỡng sống hoại sinh bao gồm các loại nấm, vi khuẩn. Chúng tiếp nhận nguồn Năng lượng hoá học khi sinh vật khác phân huỷ và bẻ gãy các phân tử hữu cơ để tồn tại và phát triển. Sinh vật phân huỷ thải vào môi trường những chất đơn giản hoặc những nguyên tố hoá học mà lúc đầu các sinh vật sản xuất sử dụng để tổng hợp các chất hữu cơ.
-Môi trường: các chất vô cơ (bao gồm cả các nguyên tố sinh học: N, C, H, O, Cu, Zn,.. các nguyên tố vi lượng tham gia vào enzim), chất khí (N2,O2,CO2...), nước.
Tiến hóa
Hệ sinh thái cũng có quá trình tiến hóa, từ bập thấp đến bậc cao, sinh vật tác động đến môi trường, môi trường thay đổi tác động trở lại sinh vật, giữa sinh vật và môi trường gắn bó với nhau.
-Quá trình tiến hóa: Hệ sinh thái trẻ  Hệ sinh thái già  Hệ sinh thái cao đỉnh
-Khi hệ sinh thái đạt tới đỉnh cao thì cân bằng sinh thái tự nhiên được thiết lập (cân bằng giữa sinh vật-môi trường, sinh vật sản xuất-sinh vật tiêu thụ, sinh vật ký sinh-sinh vật ký chủ, vật mồi-vật ăn thịt
-Con người là yếu tố rất quan trọng có thể tác động làm thay đổi hệ sinh thái.
Sự chuyển hoá vật chất
Chuỗi thức ăn là một dãy bao gồm nhiều loài sinh vật, mỗi loài là một mắt xích thức ăn, mỗi mắt xích thức ăn tiêu thụ mắt xích trước nó và lại bị mắt xích phía sau tiêu thụ.
Trong một hệ sinh thái luôn xảy ra sự trao đổi vật chất và năng lượng trong nội bộ quần xã, giữa các quần xã với các thành phần bên ngoài của nó.
Chuỗi thức ăn tổng quát có dạng: SVSX → SVTT bậc 1 → SVTT bậc 2 → SVTT bậc 3 → ... → SV phân huỷ
-Lưới thức ăn: Tổng hợp những chuỗi thức ăn có quan hệ với nhau trong hệ sinh thái. Mỗi loài trong quần xã không chỉ liên hệ với một chuỗi thức ăn mà có thể liên hệ với nhiều chuỗi thức ăn.
-Bậc dinh dưỡng: Bao gồm những mắt xích thức ăn trong cùng một nhóm sắp xếp theo các thành phần của cùng một chuỗi thức ăn bao gồm SVSX, SVTT bậc 1, SVTT bậc 2, ...
-Chu trình sinh-địa-hoá: Trong hệ sinh thái vật chất luôn vận chuyển, biến đổi trong các chu trình từ cơ thể sống vào trong môi trường và ngược lại. Chu trình này gọi là chu trình sinh-địa-hoá. Bao gồm các Chu trình:
-Chu trình H2O.
-Chu trình C.
-Chu trình N.
-Chu trình P:
Các thành phần của Hệ sinh thái
A-4-Một số hệ sinh thái thường gặp:
-Hệ sinh thái nông nghiệp
-Hệ sinh thái rừng
-Hệ sinh thái biển
-Hệ sinh thái ao hồ
-Hệ sinh thái đồng cỏ tự nhiên
-Hệ sinh thái đô thị.
Trong hệ sinh thái Nông nghiệp có nhiều Hệ sinh thái ở cấp thấp hơn như:
-Hệ sinh thái ruộng lúa.
-Hệ sinh thái vườn cây ăn quả.
-Hệ sinh thái vườn hoa…

B-GIỚI THIỆU VỀ CÔNG NGHỆ SINH THÁI

Thuật ngữ "Hệ sinh thái" phát triển song song với chương trình IPM tại VN trong suốt nhiều năm qua. Năm 2010, Cục BVTV triển khai chương trình " Công nghệ sinh thái" dựa trên cơ sở IPM. Vậy " Công nghệ sinh thái" là gì và cách triển khai như thế nào? Thông tin này cung cấp cho CBKT các kiến thức cơ bản.

Trồng hoa trên bờ ruộng: Mô hình Công nghệ sinh thái
B-1. KHÁI NIỆM “CÔNG NGHỆ SINH THÁI”
Công nghệ sinh thái “ecological engineering” là thuật ngữ được Nhà sinh thái học Mỹ, Dr Odum sử dụng đầu tiên năm 1962 và được hiểu như là “ Sự thao tác của con người về môi trường bằng cách sử dụng một khối năng lượng bổ sung nhỏ để điều khiển một hệ thống mà trong đó các nguồn năng lượng chính yếu vẫn đang tiếp tục được huy động đến từ  nguồn tài nguyên tự nhiên”.
Những năm gần đây, Mitsch and Jorgensen (1989) đã xác định Công nghệ sinh thái như là “ Sự kết cấu của xã hội loài người với môi trường tự nhiên của nó vì sự lợi của cả đôi bên”, đó chính là sự  thiết kế lại hệ thống ruộng lúa sao cho kết cấu giữa thực vật (Flora) và động vật (Fauna) một cách hài hòa và  phong phú. Từ đó tạo được chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn trong sự biến động nhưng cân bằng.
Các hoạt động này còn được gọi là “Dịch vụ sinh thái” (Ecological Services). Từ chuỗi dịch vụ sinh thái này,  các thiên địch sẽ tấn công các loài sâu hại và giữ mật số của dịch hại ở mức thấp nhất không gây ra sự mất mát năng suất và con người không cần phải sử dụng thuốc trừ sâu.
Ngày nay, nếu con người có thể áp dụng thành công “Công nghệ di truyền” (genetic engineering) để điều khiển bộ gen của cây trồng nhằm tạo ra các giống cây mới có đặc tính mong muốn, thì tương tự, cũng có thể áp dụng công nghệ sinh thái (ecological engineering) để kiến thiết đồng ruộng theo nhu cầu của hệ sinh thái.
Chúng ta sử dụng quan điểm “Dịch vụ sinh thái” để bổ sung cái còn thiếu trong hệ sinh thái nhằm thu hút năng lượng (thiên địch đến diệt trừ sâu hại cây trồng) trong tự nhiên để tạo sự cân bằng bền vững trong hệ sinh thái  (đôi bên cùng có lợi).
Trên cơ sở  đó, các nhà Khoa học của Viên nghiên cứu lúa quốc tế IRRI đã đưa ra các mô hình quản lý dịch hại nông nghiệp nói chung và dịch hại lúa nói riêng. Nội dung chính của mô hình Công nghệ sinh thái là việc trồng các loại cây có hoa  trên các bờ ruộng. Cây hoa này có phấn và  mật sẽ thu hút  các loài thiên địch đến cư trú và sinh sản  vì ở giai đoạn trưởng thành chúng cần ăn thêm mật và phấn hoa để bổ sung năng lượng cho sự sinh sản. Sự hiện diện của thiên địch sẽ giúp khống chế sự tấn công của sâu hại. Trồng và chăm sóc các loài cây nhỏ có nhiều hoa và hoa phát triển quanh năm sẽ thu hút nhiều côn trùng có ích.  
B-2. NHỮNG LỢi ÍCH CỦA MÔ HÌNH “CÔNG NGHỆ SINH THÁI”
-Thu hút ong mật và ong ký sinh đến bảo vệ ruộng lúa
Các loài ong ký sinh có xu tính ăn thêm mật hoa nên chúng bị thu hút đến các mô hình Công nghệ sinh thái. Ngoài ra nhện, kiến ba khoang… cũng phát triển mạnh trong hệ sinh thái cân bằng và chúng được sử dụng như một đội quân bảo vệ lúa, trực tiếp tấn công các loài sâu hại,  tạo sự đa dạng sinh học, bảo vệ sự cân bằng hệ sinh thái.
-Giảm chi phí thuốc trừ sâu
Không cần phải phun thuốc cho cánh đồng có hoa trồng dọc theo bờ ruộng vì ong ký sinh thuờng xuyên bay từ ruộng vào bờ tìm mật hoa (thức ăn)  sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng (ký sinh theo bản năng). Đặc biệt nhất là trứng rầy nâu sẽ bị ong kí sinh hơn 80% ở những ruộng sử dụng “công nghệ sinh thái” theo kết quả của Trung tâm BVTV phía Nam  thực hiện tại Tiền Giang vụ ĐX 2009-2010.
-Tăng lợi nhuận
Ngoài tiết kiệm chi phí  sử dụng thuốc trừ sâu, một nguồn lợi đuợc tăng lên từ việc trồng cây mè, cây đậu bắp hoặc cây ngắn ngày nào khác cho nhiều hoa. Đặc biệt, mô hình này rất thích hợp đối với những vùng lúa gần khu vực nuôi trồng thủy sản hay khu ruộng nuôi trồng kết hợp lúa -cá, lúa-tôm.   
-Tạo cảnh quan nông thôn
Bờ ruộng có nhiều hoa với màu sắc sặc sỡ, tạo mỹ quan cho cánh đồng , điều đó cũng làm cho người nông dân phấn khởi, thoải mái khi đi làm công việc đồng áng..

C.CÁC BƯỚC THỰC HIỆN MÔ HÌNH

C-1. Chọn hoa: Nên chọn loại hoa dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ra hoa quanh năm và nhiều hoa, có nhiều màu sắc sặc sỡ. Một số loại cỏ có hoa được chọn để triển khai trong việc nhân rộng mô hình là: Sài đất (Wedilia chinensis), Xuyến chi (Bidens pilosa), cúc Gót (Colobogyne sp.) và cỏ Cứt lợn (Agelatum conyzoides). Đặc điểm là chúng có nhiều hoa với mật, phấn hoa và hương thơm thu hút nhiều côn trùng thiên địch mà lại dễ trồng, ít chăm sóc, không che rợp lúa và ra hoa quanh năm.
Ngoài ra, tuỳ điều kiện cụ thể ở địa phương , bà con nông dân  cũng có thể trồng một số loại cây có giá trị kinh tế như cây mè, cây đậu xanh, đậu bắp.
C-2. Kỹ thuật trồng hoa
C-2.1  Nhân giống hoa
- Nhân giống hoa trước khi xuống giống lúa.
- Gieo hạt trực tiếp hoặc trong bầu  hoặc giâm cành tùy theo loại hoa trồng.
C-2.2  Cách trồng
- Khoảng cách trồng thay đổi tùy theo loại cây hoa hay cây trồng khác.
- Trồng hoặc gieo trực tiếp dọc theo hai bên bờ ruộng trước hoặc ngay sau khi sạ lúa.
C-2.3  Chăm sóc cây hoa
Trong giai đoạn đầu, sau khi trồng cây hoa cần đuợc tưới nước để có thể phát triển. Cần bảo vệ tránh sự phá hoại của trâu bò hay gà, vịt nếu ruộng gần nhà.
Khi thu hoạch lúa, những cây có khả năng tái sinh như xuyến chi, đậu bắp.. nên cắt chừa gốc để cây ra chồi mới sẽ đỡ tốn công trồng lại.
C-3.  Gieo sạ lúa
Làm đất kỹ, quản l‎ý tốt cỏ dại ngay từ đầu vụ. Sử dụng giống tốt , sạ lúa đồng loạt đúng theo lịch thời vụ của địa phuơng, sạ thưa sạ hàng, bón phân cân đối NPK.
C-4. Chăm sóc lúa
-Thực hiện theo chuơng trình  “Thâm canh lúa cải tiến SRI”, “3 Giảm 3 Tăng” hay “1 Phải 5 Giảm”.
- Áp dụng tốt chương trình IPM
- Hạn chế tối đa sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch, con người và môi trường.

D. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI MÔ HÌNH CÔNG NGHỆ SINH THÁI

D-1-CÁC KẾ QUẢ TRIỂN KHAI Ở NƯỚC NGOÀI
Mô hình Công nghệ sinh thái (ecological engineering) là một tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất về quản lý dịch hại trên ruộng lúa ở quy mô Hộ nông dân và quy mô cộng đồng được các nhà khoa học về nông nghiệp và sinh thái trên thế giới đánh giá cao và đang có những dự án triển khai các mô hình này ra nhiều nước trồng lúa trên thế giới.
Tổ chức FAO và Viện lúa Quốc tế IRRI phối hợp với các Tổ chức BVTV Quốc tế và Khu vực, các Trường Đại học Nông nghiệp và các Tổ Chức BVTV quốc gia triển khai mô hình này trong nhiều năm qua và có những kết luật quan trọng về hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế để áp dụng trong cộng đồng sản xuất lúa gạo.
Những nước tham gia tích cực đưa Mô hình Công nghệ sinh thái vào đồng ruộng gồm có Việt Nam, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc bắt đầu triển khai vào tháng 11 năm 2009.
Kỹ thuật sinh thái là một nghiên cứu mới nổi tích hợp sinh thái và kỹ thuật có liên quan với thiết kế, giám sát và xây dựng các hệ sinh thái. Theo Mitsch (1996) "thiết kế của các hệ sinh thái bền vững có ý định để tích hợp xã hội của con người với môi trường tự nhiên của nó vì lợi ích của cả hai".
D-2-CÁC KẾ QUẢ TRIỂN KHAI Ở VIỆT NAM
Mô hình do chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (Tiền Giang) từ vụ đông xuân 2009-2010 với cái tên là chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái".
Nông dân trong vùng được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa chung quanh khu ruộng. Kết quả, tính trên mỗi ha tiết kiệm được đến 500 nghìn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun.
Sau Tiền Giang, tỉnh thứ hai thực hiện là An Giang trong ba vụ liên tiếp, kết hợp áp dụng biện pháp "1 phải 5 giảm và quy trình GlobalGAP". Kết quả cho thấy, ruộng lúa gần như không phải phun thuốc trừ sâu, rầy mà vẫn đạt năng suất hơn 6 tấn/ha ở vụ hè thu và thu đông, còn vụ đông xuân lên đến hơn bảy tấn/ha, tăng gần một tấn/ha so canh tác bình thường.
Qua phản ánh của những nông dân thực hiện mô hình, thì khi trồng những cây ra hoa mầu trắng và mầu vàng thường có nhiều phấn, sẽ càng thu hút nhiều thiên địch đến tiến công các loài sâu hại nên không phải phun thuốc như lối canh tác thông thường.
Còn các cán bộ kỹ thuật địa phương thì đánh giá mô hình "ruộng lúa bờ hoa" mang lại hiệu quả rất lớn, vì nó dẫn dụ thiên địch tìm đến và hầu hết các loại thiên địch đều ăn các loại côn trùng có hại như: rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả nhện gié. Đặc biệt, những thiên địch như nhện, bọ rùa... bắt sâu cuốn lá, rầy và tất cả các loài sâu hại khác rất giỏi nên ruộng không cần phun thuốc trừ sâu rầy mà hầu như không xảy ra dịch bệnh gì. Áp dụng mô hình này sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Đây là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Qua các mô hình đã thực nghiệm thành công, có thể nhận thấy: Để thực hiện có hiệu quả mô hình sản xuất lúa theo công nghệ sinh thái cần thiết kế thửa ruộng có bờ cao, rộng hợp lý, nhất là không bị ngập úng hay mặt bờ quá hẹp. Còn về giống các loài hoa được khuyến cáo trồng trên bờ để vừa có tác dụng thu hút, nhân nuôi tốt các loài côn trùng có ích, nhất là loài ong ký sinh, thì bao gồm nhiều loại như: hoa sao nhái, hoa cẩm chướng, hoa cúc, hoa quỳ, hướng dương, bông trang, mè, đậu bắp, đậu xanh... Những loài hoa này nên trồng trước khi sạ lúa, tốt nhất là khoảng một tháng để thu hút các loài côn trùng có ích trước khi cây lúa cần bảo vệ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, “trồng hoa trên bờ ruộng sẽ hấp dẫn ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó chúng bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng. Tuy trên ruộng lúa, sâu rầy vẫn có, nhưng thiên địch sẽ nhiều hơn, giúp tiêu diệt sâu rầy làm giảm mật số gây hại, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp. Nhờ vậy mà tạo được sự cân bằng sinh học trên đồng ruộng, giúp nông dân không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ khi nào thật cấp thiết mới phải sử dụng, nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật".
Chương trình này nhằm vào hai mục tiêu chính là: tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngừng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng cho hệ sinh thái ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu.
Còn lãnh đạo địa phương thì cho rằng mô hình "ruộng lúa bờ hoa" sẽ tạo ra bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng theo hướng phát triển cộng đồng để đạt mục tiêu lâu dài như: nông dân cùng tổ chức làm việc theo cộng đồng, cùng áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường...
Trong bối cảnh sử dụng thuốc BVTV tràn lan trong nông nghiệp thì Chương trình "Ruộng lúa bờ hoa" đã đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng khi sử dụng thuốc hóa học là rất hạn chế, chỉ khi thật cần thiết và phải tuân thủ nguyên tắc "bốn đúng", mà ưu tiên lợi dụng thiên địch để quản lý rầy nâu, giữ sự cân bằng sinh thái trên ruộng lúa.
Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái "ruộng lúa bờ hoa" trên cây lúa thành công đã mở ra triển vọng mới và vững chắc cho sản xuất lúa gạo sạch ở ĐBSCL đạt hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, giúp bà con nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, bảo vệ sức khỏe và môi trường sống tốt hơn. Nông dân các vùng trồng lúa - cá đồng, lúa - tôm trong vùng bán đảo Cà Mau và ven biển Miền Tây nên tìm hiểu, học tập nhân rộng, nhất là ở những nơi có bờ bao khuôn hộ cao rộng đủ điều kiện.
Hiện nay, Phú Yên và các tỉnh Bắc Trung Bộ đang phải đối mặt với sự gây hại của Rầy nâu và Rầy lưng trắng đồng nghĩa với việc đồng lúa có nguy cơ cao với hai bệnh virus là Vàng lùn-lùn xoắn lá và Lùn sọc đen. Đẻ hạn chế tác hại của hai của chúng thì việc quản lý Rầy là cần thiết và mô hình Công nghệ sinh thái là biện pháp quản lý Rầy tốt nhất hiện nay.

Mô hình Công nghệ sinh thái
Tài liệu tham khảo
                                                                                        Bài Kỹ sư Hồ Đình Hải

Xã nông thôn mới Định Hòa - huyện Gò Quao - tỉnh Kiên Giang


1-Xã Định Hòa (huyện Gò Quao – tỉnh Kiên Giang).


Người dân tộc Khơ me sinh hoạt văn nghệ ở xã Định Hòa
1-A- Thông tin vắn tắt về địa phương
-Đại diện cho khu vực Miền tây Nam Bộ
-Là 1 trong 11 đơn vị hành chính của huyện Gò Quao-tỉnh Kiên Giang.
-Đặc trưng: Là một xã đồng bằng khu vực Miền Tây Nam Bộ với nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
-Vị trí: nằm ở phía Bắc huyện Gò Quao, có 7,5 km của quốc lộ 61 đi qua, cách Thị trấn Gò Quao khoảng 15 km và cách Thành phố Rạch Giá khoảng 35 km.
-Ranh giới: phía Đông giáp xã Định An (huyện Gò Quao); phía Tây giáp xã Long Thạnh (huyện Giồng Riềng); phía Nam giáp xã Thuỷ Liễu, thị trấn Gò Quao (huyện Gò Quao); phía Bắc giáp xã Vĩnh Thạnh (huyện Giồng Riềng).
-Diện tích tự nhiên: 5.519, 02 ha.
-Diện tích đất nông nghiệp: 3.781 ha (73,8% đất tự nhiên).
-Địa hình: Xã chia làm 2 vùng rõ rệt, phía Bắc quốc lộ 61 nước ngọt quanh năm bị ngập, lũ bắt đầu từ đầu tháng 10 hàng năm, với thời gian ngập kéo dài 1,5 tháng, phía Nam quốc lộ 61 thường bị ảnh hưởng phèn mặn.
-Số hộ: 3.551 hộ.
-Dân số (2010): 17.055 người , trong đó dân tộc Khmer: 63,8%.
-Nguồn kinh tế chính: sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là độc canh cây lúa.
-Số Ấp: 10, số Tổ tự quản: 94.
-Toàn xã có 04 chùa Phật giáo Nam tông và 01 chùa Phật giáo Bắc tông, đa số dân cư theo đạo phật và sinh hoạt văn hoá ở các chùa.
-Định Hoà có truyền thống cách mạng, qua 2 cuộc kháng chiến, toàn xã có 94 liệt sỹ, 42 thương binh, 92 gia đình liệt sỹ, 55 hộ có công với cách mạng. Truyền thống đó tiếp tục phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương và xây dựng NTM.
*Thực trạng trước khi thực hiện xây dựng NTM ở xã Định Hòa
-Đến tháng 6/2009 xã có dân số 16.977 người, hàng năm sản xuất hai vụ lúa với sản lượng bình quân 10,8 tấn/ha/năm.
-Thu nhập bình quân đầu người là 10,2 triệu đồng/người/năm.
-Tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 11%.
-Cơ cấu kinh tế gồm nông nghiệp: 57%, thương mại-dịch vụ: 30,5%, tiểu thủ công nghiệp:12%.
-Hộ nghèo trên địa bàn xã là 521 hộ, chiếm 14,67%.
+Thuận lợi:
-Là xã điểm xây dựng NTM của TW và của tỉnh nên được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và dược sự đầu tư và hổ trợ của các ngành chức năng để xã nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí NTM do TW đề ra.
-Xã có lợi thế trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với các xã trong huyện và các vùng lân cận.
-Xã có truyền thống cách mạng, nhân dân cần cù, siêng năng.
+Khó khăn:
-Là một xã đặc biệt khó khăn, thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.
-Thu nhập chính của xã từ nghề nông, chủ yếu là từ độc canh cây lúa. Ngành nghề chưa phát triển.
-Sản xuất nông nghiệp còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên, dể ảnh hưởng thiên tai.
-Xã có nhiều dân tộc đồng bào Khmer (trên 63,5%), có trình độ văn hóa và KH-KT còn thấp.
1-B-Kết quả thực hiện xây dựng NTM ở Xã Định Hòa từ năm 2009 đến cuối năm 2011
+Trước khi thực hiện thí điểm mô hình xây dựng NTM, xã Định Hòa chỉ đạt 3/19 tiêu chí (Hình thức sản xuất, Y tế, An ninh trật tự xã hội).
+Đến cuối năm 2011 xã đã đạt 11/19 tiêu chí đạt NTM (Quy hoạch, Thủy lợi, Điện, Bưu điện, Hộ nghèo, Hình thức tổ chức sản xuất, Giáo dục, Y tế, Văn hóa, Hệ thống chính trị, An ninh trật tự).
+Kết quả thực hiện 19 tiêu chí đến cuối năm 2011 củ xã Định Hòa:
-Tiêu chí 1: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch: đạt 100 % (năm 2011)
-Tiêu chí 2: Giao thông: Chưa đạt
-Tiêu chí 3: Thủy lợi: đạt 100 % (năm 2011).
-Tiêu chí 4: Điện: đạt 100 % (năm 2011).
-Tiêu chí 5: Trường học: Chưa đạt
-Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hóa: Chưa đạt
-Tiêu chí 7: Chợ nông thôn: Chưa đạt
-Tiêu chí 8: Bưu điện: đạt100 % (năm 2011).
-Tiêu chí 9: Nhà ở dân cư: Chưa đạt
-Tiêu chí 10: Thu nhập: Chưa đạt
-Tiêu chí 11: Hộ nghèo: đạt 100 % (năm 2011)
-Tiêu chí 12: Cơ cấu lao động: Chưa đạt
-Tiêu chí 13: Hình thức tổ chức sản xuất: đạt 100 % (năm 2011).
-Tiêu chí 14: Giáo dục: đạt100 %
-Tiêu chí 15: Y tế: đạt 100 % (6/2009).
-Tiêu chí 16: Văn hóa: đạt 100 % (năm 2011).
-Tiêu chí 17: Môi trường: Chưa đạt
-Tiêu chí 18: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh: đạt100% (năm 2011)
-Tiêu chí 19: An ninh, trật tự xã hội được giữ vững: đạt100% (6/2009)
+TỔNG SỐ TIÊU CHÍ ĐÃ ĐẠT 100%: 11/19
+TỔNG SỐ TIÊU CHÍ CHƯA ĐẠT: 8/19.
-Các tiêu chí còn lại phấn đấu hoàn thành trong năm 2012:
-Tiêu chí 2: Giao thông: Chưa đạt
-Tiêu chí 5: Trường học: Chưa đạt
-Tiêu chí 6: Cơ sở vật chất văn hóa: Chưa đạt
-Tiêu chí 7: Chợ nông thôn: Chưa đạt
-Tiêu chí 9: Nhà ở dân cư: Chưa đạt
-Tiêu chí 10: Thu nhập: Chưa đạt
-Tiêu chí 17: Môi trường: Chưa đạt
-Các tiêu chí phấn đấu hoàn thành trong năm 2013:
-Tiêu chí 12: Cơ cấu lao động: Chưa đạt
Nguồn: Tham khảo Báo cáo tổng kết của Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình thí điểm xây dựng 11 xã NTM Trung Ương.
1-C-Các bài học kinh nghiệm về xây dựng NTM từ  Xã Định Hòa
1-Bài học từ sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng thuận trong nhân dân:
Về bài học này, đ/c Đào Văn Lẹ - Bí Thư Đảng ủy xã, cho biết:
“Xã có lợi thế trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội với các xã trong huyện và các vùng lân cận. Được chọn xây dựng xã điểm nông thôn mới vừa là vinh dự, tự hào nhưng trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã cũng hết sức nặng nề.
Để đạt được những kết quả xây dựng NTM đó, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân xã Định Hòa đã đoàn kết vượt qua nhiều khó khăn, sự nỗ lực quyết tâm, nêu cao ý thức tự lực tự cường, biết phát huy những thuận lợi trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Với những gì đã và đang thực hiện, có thể khẳng định, Định Hòa đã có sự đổi thay rất lớn từ một đề án hợp lòng dân”.
2-Bài học từ sự tranh thủ tiếp nhận sự hổ trợ của cấp trên và linh động, sáng tạo vận dụng ở địa phương:
Về bài học này, đ/c Đào Văn Lẹ - Bí Thư Đảng ủy xã, cho biết:
“Để đạt được những thành tích trên cũng là nhờ có sự quan tâm của các Ban ngành trong huyện và tỉnh, Ban lãnh đạo xã đã phát huy hết vai trò và nhiệm vụ của mình, đưa ra những kế hoạch cụ thể, được nhân dân đồng tình ủng hộ nên mọi chỉ tiêu của xã đưa ra đều đạt kết quả tốt, từ đó mà các chương trình, kế hoạch ngày càng đạt hiệu quả cao. Trong 19 tiêu chí Trung ương đưa ra, xã Ðịnh Hòa đã hoàn thành 11/19 Tiêu chí xã nông thôn mới và đang phấn đấu hoàn thành những tiêu chí còn lại trước năm 2015”.
3-Bài học về sự tác động có tính đột phá và mũi nhọn của Ngành Khoa học-Công nghệ
Theo TS. Nguyễn Xuân Niệm-PGĐ. Sở KH&CN KG cho biết:
Do xã NTM Định Hòa đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, vì vậy trong thời gian qua các tiến bộ KH&CN được áp dụng liên quan đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn nên tác động trực tiếp vào các tiêu chí 10 (thu nhập), 11 (hộ nghèo), 13 (hình thức tổ chức sản xuất), 16 (văn hóa) và 17 (môi trường).
Sự tác động của các cơ quan Khoa học-kỹ thuật TW và địa phương như: dự án cấp nhà nước (thuộc chương trình NTMN, do Bộ KH&CN tài trợ), bên cạnh đó có sự tham gia, hỗ trợ của Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp về quảng bá, hội thảo và trình diễn thành tựu KH&CN đến với nông dân, từ đó thúc đẩy nhanh hơn để hoàn thành các Tiêu chí NTM và thúc đẩy nhanh chóng các tiêu chí cần thời gian lâu dài…
1-D-Kết luận và kiến nghị các giải pháp để hoàn thành các Tiêu chí còn lại của xã Định Hòa.
+Kết luận:
Xây dựng NTM là chủ trương lớn để phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn; là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Đây còn là cuộc vận động rộng rãi, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia; trong đó cấp ủy Đảng và chính quyền cơ sở đóng vai trò lãnh đạo, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động; nông dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được. Được tiến hành đồng loạt, kế thừa và lồng ghép với các chương trình, dự án và các cuộc vận động khác. Phương châm thực hiện là dựa vào nội lực cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước; khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia.
Đối với xã điểm TW xây dựng NTM Định Hòa là một xã nông nghiệp vùng sâu, độc canh cây lúa là chủ yếu, đất hẹp, người đông, thiên nhiên không thuận lợi, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống nên việc hoàn thành các Tiêu chí NTM theo tiêu chuẩn TW là một quá trình khó khăn, gian khổ. Tuy số tiêu chí đạt được còn thấp so với các xã điểm xây dựng NTM của TW khác nhưng thành quả đã đạt được 11/19 Tiêu chí cho đến cuối năm 2011 là một sự quyết tâm của toàn bộ Hệ thống chính trị và nhân dân Xã Định Hòa.
+Kiến nghị:
TS. Nguyễn Xuân Niệm-PGĐ Sở KH&CN KG kiến nghị về áp dụng các đề tài, dự án và các giải pháp KH&CN dể đạt một số tiêu chí còn lại của xã Định Hòa như sau:
“Nhìn chung, cốt lõi đã và sẽ thành công ở xã Định Hòa là vấn đề tác động các tiến bộ KH&CN để nâng cao thêm thu nhập của nông dân, từ lợi nhuận do sản xuất phát triển nhân dân sẽ đóp góp tiền của nhiều hơn vào các công trình xây dựng NTM.
Đặc biệt, vùng trồng lúa, nên đẩy nhanh áp dụng tiến bộ ‘công nghiệp hóa vào trong sản xuất’ kết hợp thực hiện quy trình của‘3 giảm-3 tăng’, cánh đồng ‘1 phải -5 giảm’, ‘cánh đồng 4 tốt’, ‘cánh đồng mẫu lớn’.
Vùng chăn nuôi nên đẩy nhanh áp dụng tiến bộ ‘cá trong ao vèo; heo nái sinh thái; bò HPI; nuôi gà, vịt an toàn sinh học’; Vùng có nhiều nông nhàn nên đẩy nhanh áp dụng tiến bộ ‘các loại nấm ăn và dược liệu’; rau-màu an toàn vệ sinh thực phẩm;…
Các ứng dụng thực tế này không chỉ riêng của xã điểm NTM TW Định Hòa mà còn có thể áp dụng cho tất cả các xã xây dựng NTM khác ở ĐBSCL.
Trong 8 tiêu chí chưa đạt còn lại của xã NTM Định Hòa thì tiến bộ KH&CN có khả năng tác động trực tiếp vào các tiêu chí 2, 10 và 17, bằng các giải pháp như sau:
-Với Tiêu chí 2: Áp dụng kết quả đề tài cấp tỉnh ‘Nghiên cứu và ứng dụng phương pháp hoá điện bằng hoá phẩm VISS, gia cố ổn định đất xây dựng đường giao thông nông thôn - Kiên Giang’. Đã nghiệm thu 2006. Liên hệ Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN Kiên Giang) để nhận kết quả đề tài đã nghiệm thu này. Khi thực hiện cần phối hợp với Sở Giao thông vận tải.
-Với Tiêu chí 10: Áp dụng hài hòa 17 dự án, đề tài, mô hình tùy theo ấp, xã địa phương. Khi áp dụng cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và Phòng Quản lý Khoa học để nhận sự tư vấn và hỗ trợ khi thực hiện.
- Về Tiêu chí 17: Thực hiện đề tài cấp tỉnh ‘Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã nông thôn mới’. Đề tài mới đưa vào danh mục 2013. Cần phối hợp liên hệ với Chi cục BVMT Kiên Giang, cơ quan chủ trì thực hiện và Sở KH&CN Kiên Giang cơ quan quản lý đề tài.
Bên cạnh các giải pháp trên, Sở KH&CN Kiên Giang đề xuất thêm 2 giải pháp sau:
- Ban Chỉ đạo thực hiện NTM của mỗi tỉnh cần có chương trình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chung và giao cho một đơn vị làm đầu mối. Mỗi sở, ngành phải có đề xuất nghiên cứu, ứng dụng KH&CN cụ thể trên mỗi xã NTM. Như vậy, các đề xuất của sở, ngành sẽ không trùng, lắp và có trách nhiệm triển khai thực hiện các đề xuất này.
- Sau khi các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN do các sở, ngành thực nghiệm có hiệu quả trên xã NTM. Người dân trong xã NTM sẽ là người chủ động và trực tiếp ứng dụng, nhân rộng các kết quả này. Tuy nhiên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí để người dân triển khai ứng dụng, nhân rộng trong toàn xã NTM của họ và các xã chưa phải NTM lân cận khác. Như vậy, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mới nhanh và cao.”.
Nguồn: TS. Nguyễn Xuân Niệm-PGĐ. Sở KH&CN KG
* Một số hình ảnh minh họa về hoạt động  xây dựng NTM ở xã Định Hòa


Đường giao thông nông thôn mới ở xã Định Hòa

Nước sạch đến vùng sâu ỡ xã Định Hòa

Trạm Y tế xã Định Hòa- huyện Gò Q uao

Nguồn tài liệu tham khảo:
1-Ban chỉ đạo Nông thôn mới tỉnh Kiên Giang, 2010.
2-SaNa- Sở văn hóa , Thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang.
3-Thế Hạnh-Bộ VH-TT và DL-Cơ quan đại diện tại TP.HCM.
Các trang Web truy cập:
6-http://dansokiengiang.gov.vn/thong-ke-so-lieu/chi-tiet.php?
                                                                                    Kỹ sư Hồ Đình Hải