Nguồn gốc cây lúa trồng ở Châu Á


Nguồn gốc cây lúa trồng Châu Á

Lúa hoang Oryza rufipogon: Tổ tiên của loài lúa trồng Châu Á

Giống Lúa trồng Châu Á hiện đại ở Việt Nam

Tổng quan

Nguồn gốc cây lúa trồng Châu Á (Oryza sativa)

Trên thế giới có hai loài lúa trồng được xác định từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Đó là loài lúa trồng Châu Á (Oryza sativa) và loài lúa trồng Châu Phi (Oryza glaberrima).
Loài lúa trồng Châu Phi đã được xác định nguồn gốc ở vùng thung lũng thượng nguồn sông Niger (ngày nay thuộc Mali).
Loài lúa trồng Châu Á có nguồn gốc phát xuất ở nơi nào vẫn là đề tài tranh luận của các nhà khoa học thế giới và ngày càng sáng tỏ với những khai quật khảo cổ học có tính đột phá và những phương pháp phân tích hiện đại dựa trên cơ sở phân tích phóng sạ và AND.
Trước đây có 4 giả thuyết về nơi phát xuất đầu tiên của cây lúa trồng Châu Á, đó là: nguồn gốc Trung quốc, nguồn gốc Ấn Độ, nguồn gốc Đông Nam Á và giả thuyết đa trung tâm phát sinh.
1-Giả thuyết cây lúa trồng Châu Á có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Giả thuyết này được đề xuất bở các nhà khoa học chủ yếu sau đây:
-De Candolle (1882) đã dựa vào tài liệu của Bretschneider và Stanislav Julien đề cập về một nghi lễ tôn giáo dâng cúng ngũ cốc trong đó có hạt lúa được đặt ra bởi Hoàng đế Thần Nông  khoảng 2800-2700 trước Công Nguyên (TCN) và cho rằng cây lúa trồng ở Trung Quốc sớm hơn Ấn Độ.
-Chatterjee (1947, 1948), Ting (1949) đề nghị rằng cây lúa xuất phát từ Trung Quốc, vì loại thảo mộc này đã được nói đến lần đầu tiên trong văn học dưới thời Thần Nông khoảng 3000 năm TCN và dẫn chứng tìm thấy trầm tích của hạt lúa, lá lúa và bộ xương thú có khắc hình cây lúa (có niên đại 1400-1122 năm TCN).
-Bellwood (2005) dựa vào các di vật về cây lúa trồng cổ nhứt thuộc loại Indica được khai quật tại Ho-mu-tu, phía đông Trung Quốc có niên đại 5008 ± 117 TCN hay cách nay khoảng 7.000 năm. Các di vật lúa hoang phát hiện ở động Xianrendong và Diaotonghuan, đông bắc tỉnh Jiangxi được xác định cách nay khoảng 13.000 năm.
-Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng một phần cây lúa trồng được thuần dưỡng ở Trung Quốc cách nay khoảng 8.000-9.000 năm!
-Nhưng lập luận này bị phản bác bởi các nhà khoa học phương Tây cho rằng có một thời kỳ lạnh giá và khô khan “Tiểu hạn(Younger Dryas: 13.000-11.500 năm) xuất hiện ở Trung Quốc làm cho lúa dại vắng mặt, đề nghị các nhà nghiên cứu Trung Quốc xét lại giả thuyết này (Zhao, 1998, Lu et al., 2.000). 
2-Giả thuyết nguồn gốc cây lúa trồng từ Ấn Độ
Giả thuyết này được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu chủ yếu sau đây:
-Watt (1892) đã tìm thấy vài loài lúa dại ở India như rufipogon (hàng niên và đa niên) và Porterssia coarctata. Lúa gạo cũng được sử dụng ở nhiều nghi lễ trong xứ này. Do đó, ông kết luận rằng cây lúa trồng có thể xuất phát từ bán đảo Ấn Độ và lan rộng đến các nơi khác.
-Vavilov (1951) cho rằng Ấn Độ có thể là trung tâm nguồn gốc cây lúa và sau đó được truyền sang Trung Quốc.
-Ramiah và Ghose (1961) ủng hộ giả thuyết của Watt. Cho rằng cây lúa từ Nam Á đến Trung Quốc và Đông Nam Á vào khoảng 3000 năm TCN.
Ở Ấn Độ, di vật lâu đời của lúa được tìm thấy ở vỏ trấu trộn với đất sét (vật dụng kiến trúc) tại Lothal (Quận Ahmedabad, Gujarat) được xác định niên đại 2.300 TCN. Có 11 mẫu lúa trên 2000 năm được tìm thấy ở nhiều nơi và được báo cáo ở Ấn Độ. Hai mẫu lúa cổ xưa thuộc nền văn minh Harappan nổi tiếng ở Ấn Độ khoảng 2200-1700 tr CN (Nayar, 1973). Di vật cổ nhứt là hạt lúa và trấu được tìm thấy trên đồ gốm và phân bò ở Koldihwa, Uttar Pradhesh, có niên đại phóng xạ 6.570 và 4.530 B.C. (Vishnu-Mittre 1976; Sharma et al. 1980).
Những bằng chứng về lúa trồng ở Ấn Độ vẩn có niên đại muộn hơn ở Trung Quốc nên giả thuyết cây lúa trồng phát xuất từ Ấn Độ bị đánh đổ.
3-Giả thuyết nguồn gốc cây lúa trồng ở  vùng núi Đông Nam Á
Trong vùng Đông Nam Á (DNA)gồm cả Việt Nam, còn rất ít công cuộc khai quật trên diện tích rộng lớn để nghiên cứu so với các hoạt động khảo cổ qui mô tại hai quốc gia lớn: Trung Quốc và Ấn Độ. Vì vậy các giả thuyết về cây lúa trồng có nguồn gốc từ vùng ĐNA và các công cuộc khảo cổ học quy mô của vùng này chưa có tiếng vang để tạo sức thuyết phục đối với các nhà khảo cổ học khác trên thế giới.
ĐNA có điều kiện là nơi phát xuất cây lú trồng vì các lý do sau:
1-Có nhiều loài lúa hoang dại để thu hoạch tự nhiên trước khi có lúa trồng.
2-Không có cây lương thực ngũ cốc khác chủ đạo thay thế cho cây lúa.
3-Nằm trong vùng Châu Á gió mùa điển hình dể phát triển nghề trồng lúa.
Nhưng do khoảng 5000-4000 năm trước mực nước biển cao hơn ngày nay 4-5 m cuốn trôi những di vật văn hóa ở các vàng đồng bằng thấp, là những nơi chủ yếu để trồng lúa.
Trong thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết nguồn gốc cây lúa trồng xuất phát ở vùng Đông Nam Á, bên cạnh giả thuyết về nguồn gốc cây lúa trồng ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Các nhà nghiên cứu chủ yếu đưa ra giả thuyết nguồn gốc cây lúa trồng từ vùng ĐNA gồm có:
-Hamada (1949) và Burkill (1953) xem Đông Dương là trung tâm xuất hiện của cây lúa vì cây lúa phân hóa sâu rộng hơn hết ở vùng này. 
-Vavilov (1951) cho rằng một số hoa màu gồm cả lúa bắt nguồn từ trung tâm Hindustan, gồm có Ấn Độ AssamMyanmar (Miến Điện).
-Carl Sawer (1952) đưa giả thuyết thảo mộc đầu tiên trên thế giới được thuần dưỡng ở Đông Nam Á.
-Barrau (1966) cho rằng cây lúa có thể đã được thuần hóa ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương vì có rất nhiều lúa dại nổi tiếng ở vùng này. 
-Solheim II (1967 và 1971). Ông Solheim II, Giáo Sư nhân chủng học thuộc Đại Học Hawaii muốn chứng minh giả thuyết này qua nhiều cuộc khai quật tại miền bắc Thái Lan, đặc biệt ở Non Nok Tha. Họ khám phá dấu tích hạt và trấu trên gốm có niên đại ít nhứt 6.000 năm và đồng ý với Ông Sawer là nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện cách nay ít nhứt 8.000 năm tại miền bắc biên giới Thái Lan và Miến Điện, tương tự trong nền văn hóa Hòa Bình tuy nhiên cần phải khảo cứu thêm để đánh giá xác nhận.
-Moringa (1972) nêu giả thuyết rằng cây lúa có thể bắt nguồn từ vùng núi non và thung lũng Đông Nam Á hơn là từ Ấn Độ, vì nhiều nền văn hóa cổ xưa xuất phát từ vùng núi non này.
-Chang (1976), sau khi quan sát 34.000 giống lúa thế giới ở ngân hàng gien của IRRI, nhận thấy rằng có biến đổi rộng lớn trong các đặc tính và sinh thái của các giống lúa thu thập ở vùng núi non Đông Nam Á, gồm có Nepal, Shikkim, Assam (Ấn Độ), Bangladesh, Bắc Myanmar, Bắc Thái Lan, Bắc Lào và Tây Nam Trung Quốc.
-Nakagahra (1976) căn cứ trên nghiên cứu về sự phân bố của 12  loại lúa  isozymes từ các vùng khác nhau ở Châu Á, nhận thấy có biến đổi lớn của các giống lúa từ Assam đến Laos và cho rằng nguồn gốc cây lúa trồng ở vùng núi non Đông Nam Á như Myanmar, Thái Lan và Vân Nam của Trung Quốc. 
-Higham (1989) báo cáo vỏ trấu và liềm gặt lúa bằng vỏ sò được tìm thấy ở Khok Phanom Di gần vùng vịnh Thái Lan có niên đại phóng xạ 6.000-4.000 TCN.
-Watanabe (1997), sau khi nghiên cứu trên các vỏ trấu trong các lâu đài xưa cổ đổ nát để tìm lộ trình của lúa ở Á Châu, cho rằng trung tâm nguồn gốc trồng lúa ở vùng Assam-Vân Nam.
Nói chung vùng ĐNA có điều kiện là nơi là nơi có nhiều điều kiện khởi phát cây lúa trồng Châu Á (Oryza sativa) hơn ở Trung Quốc vì ở gần xích đạo nên không có thời kỳ khô lạnh như ở Trung Quốc trong khoảng thời gian 13000-11500 năm trước.
Do chưa có bằng chứng về di vật khảo cổ của cây lúa trồng có niên đại sớm hơn ở Trung Quốc nhưng đã có bằng chứng về niên đại cây lúa trồng sớm hơn ở Ấn Độ (Trung Quốc (ở Trung Quốc ít nhất 7.000 năm, ở ĐNA cao nhất 6.000 năm và ở Ấn Độ cao nhất 4.300 năm) nên theo giả thuyết cây lúa trồng Châu Á có 1 nguồn gốc duy nhất thì đầu tiên nó phát xuất từ Trung Quốc, sau đó lan dến vùng ĐNA và mới đến Ấn Độ.
Tuy nhiên câu trả lời cuối cùng còn nhiều bất ngờ khi các di chỉ khai quật mới được phát hiện trong tương lai.
4-Giả thuyết đa trung tâm phát sinh cây lúa trồng Châu Á.
Giả thuyết này được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu chủ yếu sau đây:
-Roschevicz (1931) tin rằng Châu Phi là nguồn gốc phát sinh cây lúa cây lúa trồng Châu Á (sativa) vì lục địa này có nhiều loài lúa dại hơn Châu Á và lúa trồng có thể tự xuất hiện ở Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Dương. 
-Gustchin (1938) đề nghị rằng cây lúa có thể xuất hiện đầu tiên ở cả hai bên triền núi Hymalaya. Những hạt lúa hóa thạch được tìm thấy ở Hastinapur (Uttar Pradesh) có niên đại phóng xạ cách nay từ 2.700 đến 3.000 năm (Chowdhury and Ghosh, 1953).
-Morinaga (1955) cũng nêu giả thuyết đa nguồn của cây lúa trồng vì nhiều biến đổi di truyền của cây lúa ở Châu Á.
-Chang (1985), chuyên gia di truyền lúa của IRRI, xem xét lại tất cả tin liệu và các dữ kiện từ khoa học, khảo cổ, sinh học tiến hóa, hệ thống sinh học và lịch sử nông nghiệp để đưa ra kết luận rằng lúa trồng ở châu Á có thể bắt nguồn từ nhiều địa điểm một cách độc lập và đồng bộ, vì những nơi này hiện có nhiều loài lúa dại và lúa trồng cùng sống trong một môi trường. Những địa điểm này khởi đầu từ đồng bằng sông Ganges đến miền bắc Myanmar, miền đông bắc Thái Lan, bắc Lào, bắc Việt Nam, miền nam và tây nam Trung Quốc, và những vùng lân cận khác.
Điều này có thể suy diễn cho nền nông nghiệp sơ khai xuất hiện độc lập, vì sự di chuyển xuyên quốc gia hoặc lục địa còn rất giới hạn trong thời kỳ cách nay 10-8 thiên kỷ.

Những xác định hiện đại về nguồn gốc cây lúa trồng Châu Á (Oryza sativa)

Mặt dầu có nhiều tranh luận về nguồn gốc ban đầu của loài lúa trồng Châu Á, mỗi nước dựa vào tư liệu truyền thuyết hay những tư liệu khảo cổ về niên đại xuất hiện của cây lúa hay hạt lúa (chưa rõ là từ lúa trồng hay lúa hoang dại) để cho rằng nước mình là cái nôi phát xuất của nghề trồng lúa. Những nguồn gốc truyền thuyết dần dần bị loại bỏ và những khám phá khoa học mới nhất của thế giới đã khẳng định lại nguồn gốc phát xuất của cây lúa trồng dựa vào công nghệ phân tích phóng xạ và sinh học phân tử xác định AND.

Xác định cây lúa trồng Châu Á xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc

Nếu cho rằng cây lúa trồng Châu Á xuất phát từ một nguồn gốc thì Trung Quốc là nơi phát xuất của cây lúa trồng đầu tiên của Châu Á.
Nhiều nền văn hóa có bằng chứng về trồng lúa sớm, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, và những nền văn minh của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, các bằng chứng khảo cổ học đầu tiên đến từ miền trung và miền đông Trung Quốc và từ 7000-5000 trước Công nguyên.
Vết tích bữa cơm tiền sử nấu với gạo từ lúa mọc hoang xưa nhất thế giới, 13.000 năm trước, được một nhóm khảo cổ Mỹ-Trung Hoa tìm thấy trong hang Diaotonghuan phía nam sông Dương Tử (bắc tỉnh Giang Tây). Cư dân sống trong vùng này đã biết thử nghiệm các giống lúa và cách trồng trong thời gian dài tiếp theo đó. Điều này đã được nhóm khảo cổ chứng minh qua sự tăng độ lớn phytolith của lúa (phần thực vật hoá thạch, tồn tại nhờ giàu chất silica) lắng trong những lớp trầm tích theo thời gian. Tin này đã được đăng trên tạp chí khoa học Science, năm 1998. Các nhà khoa học nghiên cứu về phytoliths - thạch thể lúa - này đă chứng minh rằng từ 9000 năm trước dân cổ ở vùng đó đã ăn nhiều gạo của lúa trồng hơn lúa hoang. Nhóm cư dân bản địa này cũng bắt đầu làm đồ gốm thô xốp bằng đất trộn trấu. Kinh nghiệm về trồng lúa tích tụ tại đấy trong mấy ngàn năm đă đưa đến nghề trồng lúa trong toàn vùng nam Dương Tử.
Di tích xưa thứ hai, 9000 năm trước, là Pengtou, gần hồ Động Đình phía nam sông Dương Tử. Hơn bốn mươi chỗ có di tích lúa cổ hàng ngàn năm đă được tìm thấy ở vùng nam Trường Giang. Gần cửa biển nam Trường Giang, di tíchVăn hoá Hemudu (Hà Mỗ Độ) cho thấy văn minh lúa nước trong vùng lên đến trình độ rất cao vào 7.000 năm trước, sớm hơn cả di tích làng trồng kê Banpo (Bán Pha) xưa nhất của dân tộc Hán phương Bắc.
Trong năm 2011, một nỗ lực kết hợp của Đại học Stanford (Mỹ), Đại học New York (Mỹ), Đại học Washington (Mỹ)  Đại học Purdue (Mỹ) đã cung cấp bằng chứng để kết luận rằng lúa thuần ở Châu Á có nguồn gốc duy nhất ở thung lũng sông Dương Tử của Trung Quốc. Nhưng tùy thuộc vào đồng hồ phân tử được sử dụng bởi các nhà khoa học, thời gian xuất hiện cây lúa trồng đầu tiên ở Châu Á cách nay từ 8.200 đến 13.500 năm. Điều này phù hợp với các dữ liệu khảo cổ học nổi tiếng về đề tài này.

Các quan điểm về nguồn gốc cây lúa trồng ở Việt Nam

Theo các nhà khoa học Việt Nam công nhận rằng di chỉ khảo cổ cây lúa trồng Châu Á có niên đại sớm nhất được phát hiện trên thế giới nhưng chưa hẳn là cây lúa trồng phát xuất đầu tiên ở Trung Quốc.
Tại Việt Nam, lúa dại rất phong phú và hiện diện rải rác khắp lãnh thỗ, từ Miền Nam đến Miền Trung và Miền Bắc. Lúa dại đa niên O. rufipogon và lúa dại hàng niên O. Nivara là những loài nguyên thủy, tổ tiên của các giống lúa trồng ngày nay Indica và Japonica, đã hiện diện lâu đời ở nước ta. Đó là một trong những yếu tố quan trọng xác nhận cây lúa có nguồn gốc ở Việt Nam. Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ cũng tin tưởng Miền Bắc Việt Nam là một trung tâm nguồn gốc lúa trồng của thế giới (2000) (theo Trần văn Đạt, 2005).
Theo các thành tựu khảo cổ học Việt Nam, nền văn hóa Hòa Bình đã xuất hiện ít nhứt cách nay 10.000-8.000 năm (Viện Khảo Cổ Học, 1998). Nhiều nhà khảo cổ học thế giới cho rằng Việt Nam có thể đóng một phần vai trò sáng lập nền nông nghiệp sơ khai, nhứt là di chỉ Đa Bút và Cái Bèo có niên đại được xác nhận cách nay ít nhứt 6.500 năm (Bellwood, 2005). Bà Colani (1926), nhà khảo cổ học khám phá nền văn hóa Hòa Bình, đã tìm được ở hang động của di chỉ Bắc Sơn một mảnh đá có khắc hình lá họ Hòa Thảo (lá dài với những gân song song), và cho rằng đó lá lúa (Theo Bùi Huy Đáp, 1980).
Tiến sĩ Trần văn Đạt (2005) cho rằng: Thông thường công tác nghiên cứu về địa danh và thời gian của nguồn gốc cây lúa căn cứ trên các di chỉ khảo cổ, lịch sử, ngôn ngữ học và chứng cớ thực vật học. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ vào một vài sự kiện mà kết luận thì không thể chính xác và khoa học, do các nguyên nhân sau đây:
-Căn cứ vào nghi lễ gieo lúa xa xưa ở Trung Quốc để kết luận về nguồn gốc của cây lúa, lúa mì, khoai ngọt bắt nguồn từ nước này thì không được chỉnh lắm, vì các hạt giống này có thể xuất xứ từ các nơi khác hơn Trung Quốc. Thí dụ, cây lúa mì được biết xuất phát từ Trung Đông, khoai ngọt xuất xứ từ Nam Mỹ. 
-Di tích khảo cổ được sử dụng nhiều nhứt trong quá khứ cho các nghiên cứu về nguồn gốc thảo mộc. Tuy nhiên, các vùng có khí hậu ấm áp và ẩm ướt như Đông Nam Á với khí hậu gió mùa rất khó giữ được các mẫu di vật khảo cổ lâu dài, so với các vùng có khí hậu ôn đới hoặc lạnh và khô hơn như châu thổ sông Hoàng Hà, Trung Quốc. Nếu chỉ căn cứ vào niên đại của các di vật khảo cổ tìm được, khả năng ước đoán về nguồn gốc có thể sai lầm lớn. Chẳng hạn, trong năm 2003, ở Hàn quốc khám phá nhiều hạt gạo cháy ở tỉnh Chungbuk có niên đại phóng xạ khoảng 15.000 năm (IRC, 2003); nhưng nước này không thể là trung tâm nguồn gốc của cây lúa trồng Châu Á.
-Ngoài ra, các tranh luận nêu trên thường căn cứ trên số lượng mẫu lúa nghiên cứu còn rất giới hạn.
-Sự khác biệt tên lúa dại của loài O. sativa có thể gây ra suy đoán nhầm lẫn.
-Các mẫu lúa dại thật sự không còn nữa vì do sự lai giống thiên nhiên giữa các lúa trồng và các loại lúa dại hàng niên. 
-Không áp dụng các biện pháp tổng hợp trong công việc nghiên cứu.
Do đó, ông Chang (1985), chuyên gia di truyền lúa của IRRI, xem xét lại tất cả tin liệu và các dữ kiện từ khoa học, khảo cổ, sinh học tiến hóa, hệ thống sinh học và lịch sử nông nghiệp để đưa ra kết luận rằng lúa trồng ở châu Á có thể bắt nguồn từ nhiều địa điểm một cách độc lập và đồng bộ, vì những nơi này hiện có nhiều loài lúa dại và lúa trồng cùng sống trong một môi trường.

Kết luận

Cá nhân tôi nhất trí với quan điểm của ông Chang (Viện lúa IRRI,1985) và quan điểm của Tiến sĩ Trần văn Đạt (2005). Công nhận rằng các di chỉ khảo cổ về cây lúa trồng Châu Á (Oryza sativa) được phát hiện có niên đại lâu nhất cho đến hiện nay là ở Trung Quốc nhưng không hẳn là cây lúa trồng Châu Á đều phát xuất từ Trung Quốc. Bởi vì trước khi có lúa trồng con người vẩn thu hoạch lúa hoang để làm lương thực, ví vụ như nông dân vùng Đồng Tháp Mười trong các thập niên 1960s, 1970s vẩn còn thu hoạch lúa hoang để ăn. Những giống lúa hoang có năng suất và chất lượng cao được gìn giữ trong tự nhiên để thu hoạch nhiều vụ, nhiều năm. Từ đó các loài lúa hoang được chọn lọc lâu đời trở thành lúa trồng. Khi có lúa trồng thì các giống lúa hoang bị cạnh tranh và bị đào thải dẩn đến tiệt chủng.
Chắc chắn rằng có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn giống lúa hoang đã từng tồn tại và đã từng bị tiệt chủng do điều kiện thiên nhiên và tác động của con người, chứ không phải chỉ có 20 loài lúa hoang tồn tại trong thập kỷ 1960s và chỉ còn 13 loài còn tồn tại như hiện nay.
Bảng sau đây liệt kê các địa diểm di chỉ khảo cổ quan trọng ở Việt Nam, các di chỉ có niên đại từ thời đồ đá mới trở về sau gắn liền với các nền văn minh lúa nước ở Việt Nam.

Hậu kỳ Thời đại đồ đá cũ
   Văn hóa Ngườm (23.000 TCN)
   Văn hóa Sơn Vi (20.000 - 12.000 TCN)
   Văn hóa Soi Nhụ (18.000 - 7.000 TCN)
Thời đại đồ đá mới
   Văn hóa Hòa Bình (12.000 - 10.000 TCN)
   Văn hóa Bắc Sơn (10.000 - 8.000 TCN)
   Văn hóa Quỳnh Văn (8.000 - 6.000 TCN)
   Văn hóa Cái Bèo (7.000 - 5.000 TCN)
   Văn hóa Đa Bút (6.000 - 5.000 TCN)
Thời đại đồ đồng đá
   Văn hóa Hạ Long (3.000 - 1.500 TCN)
   Văn hóa Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 TCN)
   Văn hóa Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc
   Văn hóa Tiền Sa Huỳnh (2.000 - 1.000 TCN)
Trung kỳ thời đại đồ đồng
   Văn hóa Đồng Đậu (1.500 - 1.000 TCN)
Hậu kỳ thời đại đồ đồng
   Văn hóa Gò Mun (1.000 - 600 TCN)
Thời kỳ đồ sắt
   Văn hóa Đông Sơn (700 TCN - 100)
   Văn hóa Sa Huỳnh (1.000 TCN - 200)
   Văn hóa Đồng Nai (1.000 TCN - 0)
   Văn hóa Óc Eo (1 - 630)
Nguồn: Văn hóa Đông Sơn-http://vi.wikipedia.org/wiki/
                                                           Tài liệu tham khảo 
4-Văn hóa Đông Sơn-http://vi.wikipedia.org/wiki/
5-Tiến sĩ Trần Văn Đạt, 2005. Sản xuất lúa gạo trên thế giới: Hiện trạng và khuynh hướng phát triển trong thế kỷ 21. NXB Nông Nghiệp, Hà Nội, 502 tr.
6- T.S. Nguyễn Văn Ngưu: Thư Ký Điều Hành, Ủy Ban Lúa Gạo Quốc tế,FAO, Rome, Italy, Sản Xuất Lúa Gạo Trong Thế Kỷ 21: Thử Thách, Cơ Hội Kỹ Thuật và Chính Sách Nguu.nguyen@fao.org